XEM THEO ĐỜI THỨ
CÂY CÓ CỘI-NƯỚC CÓ NGUỒN-CON NGƯỜI CÓ TỔ CÓ TÔNGCÂY CÓ CỘI-NƯỚC CÓ NGUỒN-CON NGƯỜI CÓ TỔ CÓ TÔNG

Là con cháu họ Ngô thì dù đi đâu, làm gì cũng luôn hướng về cội nguồn, hướng về quê Cha đất Tổ.

Hy vọng trang Web này sẽ là nơi sinh họat của tất cả mọi người gần xa trên khắp Năm Châu Bốn Bể, đặc biệt là

con cháu Ngô luôn phát huy truyền thống của Cha Ông. Bảo tồn và xây dựng những di sản văn hóa và xây dựng

dòng Họ ngày càng phát triển vững mạnh, trường tồn.

Chắc chắn trang Web còn nhiều hạn chế, kính mong qúy vị độc giả xa gần tham gia đóng góp ý kiến và đặc biệt

đóng góp những tài liệu ( ảnh, thông tin hiếu - Hỷ ....) về dòng họ cũng như cá nhân để trang Web này ngày càng

phong phú, chính xác và đầy đủ hơn để cùng nhau gì giữ những giá trị tinh thần và truyền thống của dòng họ.

Xin chân thành cảm ơn quí bạn đọc đã quan tâm.


Để góp ý cho ban quản trị diễn đàn, xin gửi email: tuanlinhpc44@gmail.com
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
 
  Forum  Thảo Luận  Chung  thông tin
Trước Trước
 
Tiếp Theo Tiếp Theo
Bài đăng mới 26/02/2015 4:50 CH
Người sử dụng offline Ngô Ngọc Anh
2 bài
Không có cấp bậc


thông tin 
VIẾT VỀ GIA SỬ CỦA DÒNG HỌ
NGÔ VIỆT NAM
 
Họ Ngô xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, từ thời các Vua Hùng. Thần phả đình An Duyên (Thường Tín, Hà Tây) ghi tên họ Ngô Ngọc Lang, quán Sơn Nam Hạ, Tướng của các Vua Hùng đời thứ 18. Bia Hàm Long (Hà Nội) có ghi Ngô Long, Tướng của các Vua Hùng đời thứ 18. Với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938-cách nay đã 1060 năm), chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, Ngô Quyền đã trở thành người Anh hùng Dân tộc. Theo tôc phả họ Ngô do Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn năm Đinh Dậu, triều Lê Thánh Tông (1477), thì Tổ họ Ngô là Ngô Nhật Đại, hào trưởng châu Phúc Lộc (vùng Cửa Sót, xã Thạch Kim, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Ngài đã tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bai phải rời ra vùng Châu Ái (Thanh Hóa). Từ Ngô Nhật Đại đến Ngô Quyền trải qua 5 đời, gần 300 năm không thấy ghi chép rõ ràng. Nếu tính từ Ngô Quyền thì đến nay họ Ngô đã truyền được 36-37 đời, có nơi tính ra đã trên 40 đời, xuất phát từ Châu Hoan, Châu Ái, qua Đường Lâm (Sơn Tây) mà tỏa đi khắp cả nước, có mặt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Hà Tiên… Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi xin trình bày thế thứ của dòng họ một cách khái quát như sau: Cụ Tổ đầu tiên là Ngô Nhật Đại, quê Ái Châu, làm nghề nông, chưa rõ ở làng xã nào, sinh con là Ngô (Tá) Nhật Dụ theo Nho học, làm Liễu tá trong Phủ đô hộ thời Bắc thuộc. Rồi đến Ngô Đình Thực là Hào trưởng, sinh Ngô Đình Mân, làm Mục Phong Châu, thời Khúc Thừa Hạo làm Tiết độ sứ. Đến Phong Châu đã cao tuổi, Ngô Đình Mân lấy bà Phùng Thị Tinh Phong, con gái Phùng Hải, cháu Bố Cái Đại vương Phùng Hưng., sinh Ngô Quyền và Ngô Tịnh ở làng Cam Lâm, quận Đường Lâm (có thuyết nói rằng Ngô Quyền sinh ở làng Mía-nay là làng Mía, tức Thịnh Mỹ, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa-có thể xuất phát từ địa danh làng Mía Thọ Xuân trùng với làng Mía Đường Lâm) Ngô Tịnh sau làm Trấn thủ Kỳ Hoa, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), sinh ba trai, một gái, người làm Châu mục, người làm Tăng thống, người Hào trưởng…đều thất truyền. Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897), mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), thọ 47 tuổi, mộ táng tại thôn Cam Lâm. Theo Quốc sử và văn bia lưu truyền, độ tuổi 20 cha mẹ đã từ trần, Ngô Quyền vào Châu Ái làm Nha tướng Dương Diên Nghệ, lấy con gái Dương Diên Nghệ là Dương Thị Như Ngọc, sinh Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Vân (có thuyết nói rằng, Ngô Quyền còn có hai người con nữa là Cần Hưng và Nam Hưng, khi Nam Kha cướp ngôi cho ở với mẹ). Ngô Quyền vào Châu Ái khoảng chừng 10 năm, ra đánh Lý Khắc Chính rồi lại trở vào Châu Ái khoảng 6-7 năm. Lần thứ 2 ra trừ Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán, làm Vua, đóng đô ở Cổ Loa. Con cháu kế tiếp ở Cổ Loa, đến năm 965 thì lui về ba nơi: Ngô Xương Xý về Bình Kiều (Thanh Hóa), Ngô Nhật Khánh về Đường Lâm. Cha con Ngô Nhật Chung, Ngô Nhật Minh về Đỗ Động (Thanh Oai). Thiên sách vương Ngô Xương Ngập, vợ là Phạm Thị Uy Duyên, con gái Phạm Phòng Át ở Nam Sách, sinh Ngô Xương Xý, Ngô Xương Tỷ, Ngô Xương Tỷ đạo hiệu Châu lưu ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc (sau do kỵ húy Lê Lợi gọi trệch là Cát Lỵ thuôc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), giữa thị trấn Cồng và ga Văn Trai). Chúng tôi được biết tin mộ của vị Đại sư này là một trong những ngôi tháp ở chùa Trấn Quốc (Hà Nội) đã đến tìm nhưng chưa thấy. Ngô Xương Xý thất bại ở Bình Kiều, hai con trai, một là Ngô Xương Sắc lưu lạc ở vùng thượng du Châu Ái, sinh Ngô Tử Canh (thất truyền) và Ngô Tử Ân. Con cháu Ngô Tử An, Tử Vinh, Tử Uy v.v…dần dần sa sút, 8 đời sau quá cùng cực. Ngô Rô về coi chùa ở Thiên Phúc, làng Thung, xã Đồng Phang, huyện Yên Định (vào cuối Trần). Đến Hậu Lê thì trỗi dậy, phát triển một cách kỳ lạ nên được giải thích rằng mô táng vào đất phát! Người con thứ hai của Ngô Xương Xý là Ngô Ích Vệ tức Ngô An Ngữ, tuổi nhỏ chạy vào Châu Hoan. Khi Lý Công Uẩn lên làm vua ông ra làm một chức quan nhỏ là Sùng ban lang tướng. Ông theo Vua Lý ra Thăng Long, ở phường Thái Hòa, Khán Sơn, lấy bà họ Hán, sinh ra Ngô Tuấn (tức Lý Thường Kiệt), Ngô Chương (tức Lý Thường Hiến) sau này. Nhà Trần thay nhà Lý, dòng họ Ngô sa sút, tuy nhiên vẫn giữ được nền nếp và ở nhà dạy học. Đến cuối đời Trần, ba anh em của Minh Đức (cha của Ngô Bệ), Minh Hiếu, Minh Nghĩa (cha của Ngô Diên Tố) đổi tên, đi mỗi người một nơi. Những người khác không được ghi chép lại. Cũng từ đó mất quan hệ gia tộc 5-6 trăm năm. Đến ngày nay mới tìm ra mấy họ chạy lánh nạn, đó là: -Họ Lạc Nghiệp: Một bà mẹ đổi tên là Bà Nồm đem con về Giao Thụy, đến nay đã trên 20 đời, thành một họ lớn mấy ngàn người. Có bộ phận trở về quê cũ Nam Sách trông coi từ đường, có bộ phận lên ở Đồng Hỷ-Thái Nguyên, Sơn Dương, Tuyên Quang. -Họ Ngọc Hà Hà Nội phân chia về Vân Động, Đông Cao, Thái Bình. -Họ Nhĩ Thượng ở huyện Gio Linh, Quảng Trị dọc bờ sông Hiền Lương có 6-7 ngàn nhân khẩu ở 6 xã trong đó có 3 xã có chữ Nhĩ, 3 xã có chữ Hà, dần dà có gần 3 ngàn người thiên cư vào Nam. -Họ Bắc Biên Gia Lâm đang hương khói đền Lý Thường Kiệt. Dòng Ngô Xương Sắc ở Châu Aí, từ Hậu Lê trở đi là dòng phát triển mạnh nhất, càng thiên cư xa càng phát triển mạnh, có thể hơn cả dòng họ ở nguyên quán. Sau bảy, tám đời sa sút cùng cực, Ngô Tây ở coi chùa sinh hai con trai. Ngô Quỳnh con bà họ Nguyễn lưu lạc sang huyện Vũ Thư ,Thái Bình đến nay thành họ Minh Lăng có vài ngàn nhân khẩu. Con thứ là Ngô Kinh con bà họ Trịnh đi làm gia nô cho tù trưởng Lê Khoáng, lấy bà họ Lê (cô cháu với bà mẹ Lê Lợi) sinh bốn trai, một gái, giúp Lê Lợi khởi nghĩa. Cha con, ông, cháu thành 7 vị Công thần khai quốc. Bước đột phát kéo dài suốt 300 năm triều Lê, nhân khẩu tăng nhanh; Ngô Từ sinh 11 trai, 8 gái là Ngô Lan, Ngô Nạp, Ngô Khế, Ngô Hộ, Ngô Thị Ngọc Dao… Thời Lê sơ, những người thiên cư vào Quảng Nam sinh sôi thành nhiều dòng họ trên dưới 20 đời tập trung ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, quan Đại thần của nhà Lê là Ngô Nhân Dũng không theo Mạc. Đầu năm 1530, Mạc trục xuất Ngô Nhân Dũng về quê ở xã Lý Trai, tổng Vạn Phần. Ông mai danh, ẩn tích lên hương Kẻ Ngọn ở với cháu là Ngô Phúc Tín. Người ta gọi là ông Trục, bà Trục, cùng với bố vợ là Lại Quận công Phan Công Tích trấn thủ tại Nghệ An, lập nghĩa quân phù Lê, diệt Mạc. Những người họ Ngô thiên cư do đi theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị, Thừa Thiên nay có trên 30 họ, nhiều nhất là đất Huế và lận cận. Những cuộc thiên cư do sa cơ trong chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1655-1680) vào vùng Quảng Nam, đến Bình Định, có người vào đến Châu Đốc, đến nay đã 14-15 đời. Ngoài ra ở nhiều cuộc thiên cư lẻ tẻ do hiềm nghi chính trị của Chúa Trịnh, phải chạy ra đất Mạc, đổi họ hoặc không tập trung vào Sơn Nam Hạ và Kinh Bắc, hình thành hai cụm lớn. Đi theo quê mẹ cũng có, ghi không thể hết. Nhìn chung lại, bất cứ thiên cư trong hoàn cảnh nào, đến địa bàn mới nào, thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, thường phát triển mạnh hơn ở nguyên quán, đặc biệt là lập nghiệp thường dựa vào lưu vực các sông lớn nhỏ. Các chi họ phải đổi sang họ khác nay đã biết được trên 10 họ đổi sang là: Phạm, Trần, Nguyễn, Lê, Đỗ, Phan, Hoàng, Hoa, Văn, Vũ Văn. Các họ khác đã đổi sang họ Ngô đã biết: Lê đổi sang Ngô ở Nguyệt Viên (Ngô Cao Lăng), họ Lê ở Long Linh, Xuân Dục, họ Nguyễn ở Tam Sơn. Cũng có những nhân vật như Ngô Sỹ Liên, Ngô Tòng Chu chưa biết thuộc dòng nào. Với một chiều sâu và chiều rộng qua lớn, phả ký thất lạc, mất mát quá nhiều, nay lập lại thật là một việc làm vượt qúa sức của một vài người, không sao tránh khỏi có nhiều thiếu sót. Dòng họ Ngô qua hàng ngàn năm lịch sử biến thiên, từ một cội, nảy muôn cành, không khỏi có cành cụt. Nhìn chung, đời này qua đời khác, con cháu nội cũng như ngoại, trai cũng như gái, nêu gương hiếu thảo, trung thực, đảm đang, một lòng vì nước vì nhà của Tiên tổ, qua thử thách giáo dục rèn luyện đã gìn giữ được truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đó cũng là một phần của truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
 
Theo Hoai Phong (Báo Nhân dân-S 44(509), ngay 01/11/1998)
 
===============
 
Phả Ký NGÔ VIỆT NAM
 
Người ta sinh ra ai mà không nghĩ đến công đức sinh thành,cội nguồn tiên tổ. Những chữ "ẩm thuỷ tư nguyên,vấn tổ tầm tông" không phải là mới xuất hiện.Để nhớ phải có ghi chép; bản chép của một nước là quốc sử, của một họ là tộc phả, của một nhà là gia phả, như xưa nay người thường gọi.
 
Từ bắt đầu có văn tự các cụ tổ nhà ta đã sớm ghi chép lại, lưu truyền đến ngày nay, nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới biết rõ cội nguồn hàng ngàn năm về trước.Nhưng đời thì có trị có loạn, trị thì vun đắp thêm vào, loạn thì phá tán.Người thì khi phú quý khi bần hàn,việc ghi chép phả cũng tuỳ theo mà có thời bị gián đoạn.
 
Tiên tổ họ Ngô chúng ta sớm được học hành, ghi chép phả được sớm,đến nay trên 1200 năm.Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là từ thời Hậu Lê trở về sau, loạn lạc liên miên, tuy có ghi chép nhiều, mà thất tán cũng không phải ít. Dầu nhiêù lần được sao chép bổ sung nhuận sắc, sao cho khỏi thất thiệt do tam sao thất bản.Việc thiên cư nhiều đợt rộng ra khắp miền đất nước,có những trường hợp phải cải họ đổi tên, càng phát triển nhiều, ở đâu biết đó, trải năm sáu trăm năm cho đến nay, không biết cội nguồn.Nhiều thế hệ cháu con ở khắp mọi nơi bâng khuâng tự hỏi:"Cội nguồn chúng ta từ đâu?".Việc nhiều họ bói toán, cầu thần cầu thánh tìm hỏi cội nguồn dòng họ xa xưa, là biểu hiện lòng thành của con cháu hướng về tổ tiên, đúng với bốn chữ"vấn tổ tầm tông" đáng trân trọng.
 
Sau nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu biên soạn tộc phả họ Ngô Việt Nam ,trong những năm 80, qua mấy lần chép tay hoặc đánh máy bản thảo chuyển đến các họ xem và tham gia ý kiến, được các họ góp nhiều ý kiến, cung cấp thêm tư liệu, năm 1990 đã xuất bản tập “Lịch sử họ Ngô Việt Nam tổng hợp”, lưu chuyển rộng rãi từ bắc vào nam. Nhờ đó nhiều người đọc, tìm liên lạc chắp nối thêm nhiều dòng vốn mất liên lạc lâu đời qua nhiều thế kỷ.
 
Năm 1994 một bản thảo bổ sung lại được in ra nhiều bản đầy đủ hơn trước (tất nhiên còn thiếu sót sai lạc ít nhiều chi tiết).Các họ đã phát hiện góp ý và gần đây nhiều họ liên lạc chắp nối thêm, cung cấp thêm tư liệu chi tiết bổ sung.Tôi tận dụng thời gian sức khỏe còn cho phép, cố gắng sắp xếp ghi chép lại tất cả những gì đã sưu tầm được từ trước đến nay, tuy dài dòng,nhưng với mục đích làm tư liệu cho người sau tham khảo.
 
Tuy có thêm tư liệu nhưng không đồng bộ, có phần tản mát, thiếu đầu hụt đuôi,việc sắp xếp ghi chép lại cho có hệ thống,theo một thứ tự nhất định phải kéo dài nhiều năm, tôi cũng chưa biết được là có hoàn thành được như mong muốn hay không,nhưng cứ cố gắng,được đến đâu hay đến đó.
 
Trước lúc hạ bút ghi chép lịch sử tổ tiên,việc hình thành và phát triển các dòng họ, tôi thành thực cáo lỗi với bà con là trong việc trình bày trước đây cũng như ngày nay, có những sơ hở thiếu thận trọng,mong được bà con thông cảm và lượng thứ.
 
Mùa xuân năm Bính Tý -1996
 
Ngô Đức Thắng
 
Phái 4,chi 5 họ Ngô Trảo Nha thạch Hà,nay là thôn Nam Sơn,thị trấn Can Lộc,Hà Tĩnh
 
Họ Ngô Việt Nam
 
Lược thuật khaí quát
 
Căn cứ vào phả cũ, xưa nhất là bản phả do Hán Quốc công Ngô Lan viết vào giửa thế kỷ 15, đến thế kỷ 18 nhiều nhà trong họ như Hoàng giáp Bách Tính, Giám sinh Phan Hữu Lập (họ Ngô Tống Văn),Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm Trảo Nha, Tiến sĩ Ngô Trần Thực Bách Tính, sưu tầm sao chép lại phả cũ của Hán Quốc công và bổ sung đến Lê trung hưng(chỉ phần họ nhà mình).Sang triều Nguyễn,các ông Ngô Kim Khoan, Ngô Thạch Huỳnh ở Diễn Châu biên soạn phả họ Ngô Trí, Ngô Đình,đều có sao chép phần phả cũ. Tiến sĩ Ngô Thế Vinh họ Bái Dương sưu tầm sao chép nhuận sắc, tìm chắp nối họ Bái Dương.Đến nay phần sưu tầm phả xưa chỉ mới có như thế.Ngoài ra một phần là dựa vào thần phả đền thờ Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa,cùng với các bi ký, Từ đường ký,các bài mimh trên các chuông chùa ,hoặc đối chiếu với quốc sử v. v...
 
Được biết là:
 
Cụ Tổ xưa nhất của họ Ngô được ghi chép lại trên phả lưu truyền đến nay là 1.Ngô Nhật Đại quê quán Châu Ái (vùng thuộcThanh Hóa ngày nay).Cụ sinh sống với nghề nông,sinh con 2.Ngô Nhật Dụ. Ngô Nhật Dụ nghe tin quan đô hộ Sỹ Vương phổ cập chữ Hán cho người Việt, phấn khởi theo học, thông minh lại cần cù, trở thành Đại nho gia. Người Trung Quốc mời vào làm Liêu tá trong phủ Sỹ Vương (thời thuộc Đường),từ đó ngày càng phồn vượng.
 
Có một thuyết nói rằng Ngô Nhật Đại vốn là Hào trưởng vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh ngày nay), giúp Mai Thúc Loan khởi nghĩa (722) ,sau thất bại lánh ra Châu Ái sinh sống. Truyền đến 3.Ngô Đình Thực là Hào trưởng, sinh 4.Ngô Đình Mân. Ngô Đình Mân là Đại nho gia du học vào Cửa Sót, rồi ra Cam Lâm quận Đường Lâm, làm Phong Châu Mục thời Tiết Độ sứ Khúc Thừa Hạo.Ông lấy bà Phùng Thị Tịnh Phong, con gái Phùng Hải, cháu nhiều đời thuộc dòng họ Bố cái Đại vương Phùng Hưng. Thần phả có câu "Ông xứ Đông lấy bà xứ Đoài sinh con cái thế anh hùng". Ông bà có hai con trai 5.1 Ngô Quyền, 5.2 Ngô Tịnh. Ngô Tịnh làm Trấn thủ Kỳ Hoa,sinh năm con trai đều thất truyền.
 
5.1 Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897),mất ngày 18 tháng giêng năm Giáp Thìn (944) thọ 47 tuổi,mộ táng tại thôn Cam Lâm quận Đường Lâm. Ngô Quyền vào Châu Ái làm nha tướng cho Dương Diên Nghệ. Dương Diên Nghệ nhận làm con nuôi, giao cho quản quân, thấy có đức có tài,gả con gái là Dương Thị Như Ngọc cho làm vợ. Bà sinh 6.1 Ngô Xương Ngập6.2 Ngô Xương Văn (có thuyết nói rằng, Ngô Quyền còn có hai người con nữa là 6.3 Cần Hưng6.4 Nam Hưng, khi Dương Tam Kha cướp ngôi cho ở với mẹ).
 
Ở làng Yên Nhân huyện Chương Mỹ nơi đền thờ Bà Dương Phương Lan, có bia đá ghi:"Trên đường vào Châu Ái,qua đất Thượng Phúc(nay là Thường Tín) Ngô Quyền gặp người con gái tên Dương Phương Lan, kết làm vợ chồng, cùng nhau đi vào gặp Dương Diên Nghệ, cả hai được nhận làm con nuôi".Có tài liệu chép Ngô Quyền còn có hai con trai sinh sau là Nam Hưng,Càn Hưng, chưa rõ con bà nào sinh.
 
Ngô Quyền ở Châu Ái khoảng mười năm, tháng 7 năm Quý Mùi 923 theo Dương Diên Nghệ ra bắc đánh đuổi Lý Khắc Chính.Tháng 12 năm Tân Mão 931 theo Dương Diên Nghệ đánh đuổi Lý Tiến, giết Trần Bảo, lấy lại Giao Châu, Dương Diên Nghệ tự xưng là Tiết Độ sứ. Sau đó Ngô Quyền lại trở vào quản Châu Ái. Sáu bảy năm sau, tháng 9 năm Mậu Tuất 938, lại ra giết phản thần Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa, được 6 năm từ trần, truyền ngôi cho Ngô Xương Ngập, Dương Tam Kha phụ chính. Năm Ất Tị 945 Dương Tam Kha dành ngôi của cháu, xưng hiệu Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách nương nhờ Phạm Lệnh công, Ngô Xương Văn còn nhỏ được nuôi trong cung, Dương Tam Kha nhận làm con nuôi. Càn Hưng, Nam Hưng được ra ngoài ở với mẹ đẻ.
 
Năm năm sau, năm Canh Tuất 950 Ngô XươngVăn khôn lớn dành lại ngôi vua, phế Tam Kha làm Trương Dương Công, đón anh về cùng trông coi việc nước, tôn anh làm Thiên Sách Vương, tự mình xưng Nam Tấn Vương. Năm 964 Ngô Xương Ngập từ trần.Năm Ất Sửu 965 Nam Tấn Vương đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Quân đến nơi, cắm thuyền, lên bộ đánh nhau. Nam Tấn vương bị trúng tên nỏ mai phục bắn chết, trị vì được 15 năm.
 
Theo Sử ký của Ngô Thì Sĩ, khi bấy giờ có người quận Thao Giang là Chu Thái quật cường không thần phục. Nam Tấn vương thân đi đánh, chém được Chu Thái. Do trận thắng ấy, Nam Tấn vương sinh kiêu, nên mới mắc nạn về việc đi đánh hai thôn này.
Nhà Ngô mất. Ngô vương Quyền khởi lên năm Kỷ Hợi, mất năm Giáp Thìn, được 6 năm (939-944); Nam Tấn Xương Văn từ năm Tân Hợi đến năm Ất Sửu, được 15 năm (951-965). Cộng tất cả là 21 năm
 
Nhà Ngô thất thế,con cháu lui về ba hướng :
 
7.1 Ngô Xương Xý con Ngô Xương Ngập lui về Bình Kiều (nay là huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa);
 
7.1 Ngô Nhật Khánh con Ngô Xương Văn lui về Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây),
 
cha con 7.2 Ngô Nhật Chung, 8. Ngô Nhật Minh về Đỗ Động (Đại Điền chủ-nay là Huyện Thanh Oai-Hà Nội).
 
Các nhà sử học xưa gọi triều đại Ngô Quyền là Tiền Ngô Vương, triều đại Thiên Sách Vương ,Nam Tấn Vương là Hậu Ngô Vương. Ngô Xương Xý, Ngô Nhật Khánh là hai trong 12 Sứ quân. Đó là đợt phân chi đầu của dòng họ Ngô.
 
Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, bà là Phạm Thị Uy Duyên con gái Phạm Tướng công người Nam Sách,sinh 7.1 Ngô Xương Xý, 7.2 Ngô Xương Tỷ. Ngô Xương Tỷ trụ trì chùa Phật Đà làng Cát Lợi quận Thường Lạc, đạo hiệu Ngô Chân Lưu. Năm Tân Mùi 971 niên hiệu Thái Bình năm thứ 2 Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt Thái sư,tham dự triều chính,thời Tiền Lê giúp Lê Đại Hành đánh Tống có nhiều công.
 
Sau ngày Ngô Xương Xý, thất bại ở Bình Kiều,con trưởng là 8.1 Ngô Xương Sắc lưu lạc ở vùng trung thượng du Thanh Hóa sinh 9.1 Ngô Tử Canh , 9.2 Ngô Tử Án. Ngô Tử Canh Đại thần nhà Tiền Lê đi sứ Chiêm Thành, về sau thất truyền. Con cháu Ngô Tử An là 10.Ngô Tử Vinh, 11.Ngô Tử Uy 12.Ngô Tử Vĩnh v.v…dần dần sa sút, 8 đời sau quá cùng cực  nữa. ngày càng cùng quẫn, (Đến Ngô Tử Uy, 12.Ngô Tử Vĩnh không làm chức việc nữa Đến cuối đời Trần về sau, cảnh nhà túng bẫn chuyển cả về Động Phang, trải qua 3 đời đến 13. Ngô Đẩu Lăng ngày càng cùng quẫn. Ông Lăng sinh ra 14. Ngô Hữu Liêu. Hữu Liêu sinh ra 15. Ngô Ma Lư. Ma Lư sinh ra 16. Ngô Rô. Ngô Rô về coi chùa ở Thiên Phúc, làng Thung, xã Đồng Phang, huyện Yên Định (vào cuối Trần). Ngô Rô sinh 17. Ngô Tây. Ngô Tây sinh Hưng quốc công 18.Ngô Kinh. Ngô kinh sinh Dụ Vương 19. Ngô Từ. Ngô Từ sinh Thanh quốc công 20. Ngô Khế. Ngô khể sinh Nam quận công 21.Ngô Cung. Ngô Cung sinh ải khê hầu 22.Ngô Tú. Ngô Tú sinh Tây nham hầu 23.Ngô Khang. Ngô Khang sinh Lương tài hầu 24.Ngô Cẩm. Ngô Cẩm sinh Đồng phú hầu 25.Ngô Văn Phong. Ngô Phong sinh Đằng giang hầu 26.Ngô Tiến Vinh. Ngô Tiến Vinh sinh bốn con trai. Con trưởng 27.Ngô Đình Quý phong chánh đội trưởng, thuỵ là phúc- Thành, con thứ là Phan Long hầu 27.Ngô đình Cơ, con thứ nhuận trạch hầu 27.Ngô đình Quyên, con thứ nữa 27.Ngô đình Lộc phong bái trung hầu thuỵ là Phúc Thực. Các vị đó đều đứng một chi phái riêng. ông phúc toàn ( Ngô đình Quyền) sinh sáu con trai (28.1 Ngô.., 28.2 Ngô ..,, 28.3 Ngô.., 28.4 Ngô ..,, 28.5 Ngô.., 28.6 Ngô ..,), lại phân ra từng chi. Đó là chi phái của ngành ta trước sau như thế.  Đến Hậu Lê thì trỗi dậy, phát triển một cách kỳ lạ nên được giải thích rằng mô táng vào đất phát! đến Ngô Rô đời thứ 16,về ở Đồng Phang coi chùa Thiên Phúc của làng Thung,vào thời cuối nhà Trần.Trải qua triều Hồ, rồi thuộc Minh,mấy mươi năm sang nhà Hậu Lê con cháu phát triển một cách kỳ lạ,cho nên được giải thích bằng nhiều truyền thuyết như Cốc thần,Tào Tinh Quân giáng thế,mộng Hoàng long,mộng Kim Đồng,Bờ Đó Xó Chùa được mộ Thiên táng, tổ tiên tu nhân tích đức được trời báo v. v...
 
 
 
Con thứ Ngô Xương Xý là 8.2 Ngô Ích Vệ,đổi tên 8.2 Ngô An Ngữ chạy vào Châu Hoan dạy học, không lâu sau Lý Công Uẩn thay nhà Tiền Lê lên làm vua,ông ra phò nhà Lý, làm một chức võ quan nhỏ (Sùng Ban Lang tướng). Năm 1010 vua Lý thiên đô ra Thăng Long,ông theo ra ở phường Khán Sơn Thái Hòa (nay là Ngọc Hà quận Ba Đình Hà Nội).Bà họ Hàn sinh 9.1 Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt), 9.2 Ngô Chương (Lý Thường Hiến). Ngô Tuấn có hai bà vợ họ Tạ,họ Lý,nhưng năm 23 tuổi theo yêu cầu của Nhà Vua,tự yểm vào phụng thị trong cung,nên không có con trai nối dõi,dòng dõi đến ngày nay là con cháu Ngô Chương.
 
Ngô Tuấn được Nhà Vua nhận làm Hoàng tử nghĩa đệ, chức đến Thái Úy đứng đầu trăm quan,là Anh hùng dân tộc qua các sự nghiệp ngự Tống bình Chiêm, hưởng thọ 87 tuổi.
 
Ngô Chương cũng là Đại thần trụ cột triều đình nhà Lý, tham dự ngự Tống bình Chiêm, trấn thủ Châu Hoan, Lạng Sơn được phong Trung dũng Hầu.Con cháu nổi hẳn lên dưới triều nhà Lý, đều là công thần.
 
Nhà Trần cướp ngôi, họ Ngô chịu chung số phận với họ Lý, sa cơ tuy nhiên vẫn giữ được nếp nhà ở chùa dạy học.Cuối đời Trần, Ngô Bệ khởi nghĩa ở Yên Phụ chống triều đình thối nát (1344-1360).Ba anh em Minh Đức,Minh Hiếu,Minh Nghĩa (thân sinh Ngô Bệ) cùng những người sống sót thay họ đổi tên lánh nạn. Sau khi thất bại, Ngô Bệ bị tội tru di,từ đó quan hệ gia tộc bị gián đoạn trải mấy trăm năm cho đến ngày nay.Tương truỵền Bà Nồm đem con về Giao Thủy khai chồng họ Phạm, người ở Đổ Động chạy về Ngọc Than đổi sang họ Đổ,người vào huyện Gio Linh Quảng Trị,sau nhiều năm có người trở về Bắc Biên, Ngọc Hà...Mãi đến cuối thế kỷ 20 này mới liên lạc tìm ra cội nguồn.
 
Với chủ trương nhổ cỏ phải nhổ hết rễ của Trần Thủ Độ và bản án tru di tam tộc của vua nhà Trần, trước sau hai lần gặp tai hoạ diệt vong,tuy phả ký bị gián đoạn,nhưng nhờ nguồn sâu gốc vững,con cháu vẫn quật cường vươn lên xây dựng dòng họ trở lại ngày càng phồn thịnh.
 
Ngô Nhật Khánh, Sứ quân Đường Lâm, bị Đinh Bộ Lĩnh bức hàng, gả con gái cho làm Phò mã, chiếm bà mẹ lập làm Hoàng hậu,lại kén con gái bà làm con dâu (vợ Đinh Liễn).
 
Sau ngày Thái hậu Dương Văn Nga khoác Long cổn nhường ngôi cho Lê Hoàn, trở thành Hoàng hậu của Vua Lê Đại Hành, Ngô Nhật Khánh không phục,chạy vào nam dụ vua Chiêm Thành ra đánh úp Hoa Lư (979).Quân Chiêm theo đường biển dự định đổ bộ lên cửa Đại An và cửa Tiểu Khang.Chiến thuyền chưa đến nơi thì gặp trận bão biển lớn,thuyền đắm người chết nhiều,phải lui quân,Ngô Nhật Khánh chết đuối,vua Chiêm Thành thoát chết về nước. Phất Kim Công chúa (vợ Ngô Nhật Khánh con Đinh Tiên Hoàng) uất hận vì việc làm của chồng, nhảy xuống giếng tự tử.
 
Ngô Nhật Chung ở Đổ Động sinh Ngô Nhật Minh, nổi dậy chống Lê Hoàn, bị Lê Hoàn đem quân từ Hoa Lư ra đàn áp,tan rã mỗi người một nơi nên thất truyền. Ngày sau ở vùng Tột Động,Chúc Động có mấy dòng họ Ngô cư trú đến nay,không rõ dòng nào.
Trở lại dòng 8.1 Ngô Xương Sắc,sau nhiều đời sa sút cùng cực,con trai  Ngô Rô  là Ngô Tây tiếp tục ở coi chùa Thiên Phúc,bà họ Nguyễn người Vĩnh Lộc sinh 18. Ngô Quỳnh, vì nghèo tha phương cầu thực thất truyền (có thể nay là họ Ngô ở Minh Lãng huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình).Bà thứ hai Trịnh Thị Kim người cùng làng Đồng Phang sinh 18. Ngô Kinh. Cha mẹ từ trần khi còn ít tuổi, Ngô Kinh nghèo khó bơ vơ, cơm không đủ ăn, có người trong làng mách bảo, bèn tìm đến hương Lam Sơn xin làm gia nô cho ông bà Lê Khoáng thân sinh Lê Lợi, cần cù hoạt bát thật thà, nên được tin dùng, lấy bà Lê Thị Mười sinh bốn trai một gái: 19. 1 Ngô Từ, 19.2 Ngô Đức, 19.3 Ngô Khiêm, 19.4 Ngô Đam, 19.5 Ngô Thị Ngọc San. Phả cũ viết:"Qua việc ngưu canh mà long vân gặp hội". Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, cha con ông cháu đều tham gia lập nhiều công đầu, đều là Khai quốc Công thần. Ngọc San lấy chồng Quận công. Ngô Từ sinh 11 con trai (20.1 Ngô Khế, 20.2 Ngô…,20.3 Ngô…,20.4. Ngô…, 20.5 Ngô…, 20.6. Ngô…, 20.7 Ngô…,20.8. Ngô…, 20.9 Ngô…, 20.10 Ngô…, 20.11 Ngô… (đều là công thần chức tước cao, 8 con gái đều lấy chồng hào hoa, 20. Ngô Thị Ngọc Dao lấy  Lê Thái Tông sinh ra Lê Thánh Tông, một vị minh quân.
 
Nói chung con cháu dòng dõi Ngô Kinh đều làm quan làm tướng nhà Lê, có nhiều công lao đóng góp vào việc giữ nước, đánh đuổi ngoại xâm,xây dựng nền văn hoá,làm cho nước nhà một thời thái bình thịnh trị.
 
Nhưng bước phát triển không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió,nạn nước kéo theo nạn nhà,bao nhiêu bước ngoặt đã liên tiếp xẩy ra.Trong cung thì các ông Hoàng bà Chúa tranh dành ngôi báu, ngoài triều thì quyền thần đố kỵ lẫn nhau,gian thần lợi dụng thời cơ hãm hại người trung,dẫn đến cướp ngôi lật đổ,trung thần hàm oan,gia đình ly tán.Các vụ án Huệ Phi,Lệ Chi Viên,Nguyẽn Trãi bị tru di,mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao phải chạy lánh nạn, đến vụ Nghi Dân giết Vua và Thái hậu dành ngôi đã xẩy ra. Những người họ Ngô chịu ảnh hưởng lớn,nhiều nhà phải cho con đi lánh nạn phương xa,chính cuộc lánh nạn trở thành cuộc thiên cư của nhiều dòng họ. Mỗi người đi lánh nạn thành Thủy Tổ họ Ngô ở một phương, bốn năm trăm năm mất liên lạc về cội nguồn,mãi cho đến gần đây mới liên lạc chắp nối được. Như Ngô Hải Sơn về Tam Sơn, Ngô Nguyên về Vọng Nguyệt, Ngô Phúc Cơ về Tả Thanh Oai, Ngô Tiến Đức về Lâm Thao,Ngô Công Tín về Bách Tính, Ngô Ngữ về Địch Lễ, 21.1 Ngô Nước về Trảo Nha.
 
Ngô Từ sinh ra Thanh Quốc Công 20.1 Ngô Khế có 11 con trai,6 người sinh trước đi lánh nạn (21.1 Ngô Nước(Lợi), 21.2 Ngô…, 21.3 Ngô…,21.4 Ngô…, 21.5. Ngô…, 21.6 Ngô), 5 người sau là 21.7 Ngô Khắc Cung, 21.8 Ngô Văn Bính, 21.9 Ngô Thế Bang, 21.10 Ngô …21.11 Ngô… làm tướng nhà Lê, khi họ Mạc cướp ngôi, rút quân bản bộ về Thanh Hóa cùng anh em chú bác trong họ mưu việc phù Lê; 21. Ngô Hữu Phái theo giúp Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, đóng quân ở Ái Tử thành Thủy Tổ họ An Mô; Ngô Ngọc Phác cải họ Hoa lánh về La Phù Từ Liêm. Một số khác hoặc theo tự điền, hoặc theo về quê mẹ, cũng có người đi đánh Chiêm Thành, ở lại trấn nhậm đạo Quảng Nam,khai hoang lập ấp từ thủa Lê sơ.
 
Trong khoảng thời gian trăm năm từ một vài gia đình phát triển đến gần ngàn người, từ bần hàn cùng cực trở thành một đại tộc có nhiều tướng thần trụ cột triều đình,có thể nói đó là thời kỳ nối tiếp phát triển thần kỳ, phục hồi khí thế oanh liệt của tiên tổ xưa,sau thời gian vừa một giáp vận hội 600 năm.
 
Sang thời kỳ sau nhà Mạc cướp ngôi, phía theo Mạc và phía phù Lê phân chia ranh giới, Nam Bắc triều hình thành. Mấy chục năm tranh chấp vũ trang, người họ Ngô kẻ theo nhà Mạc (chủ yếu các họ cư trú trên đất do Mạc kiểm soát),số lớn tham gia công cuộc phù Lê (theo Nguyẽn Kim rồi Trịnh Kiểm ) phân hoá dần giúp Mạc,Trịnh, Nguyễn sau đến Nguyễn Tây Sơn. Dần dần sinh con đẻ cháu thành người địa phương các miền trung nam bắc, tuy cùng dòng họ,do bối cảnh lịch sử địa lý,cùng họ hàng anh em, mà đứng hai ba bên trận tuyến, coi nhau là thù địch,không đội trời chung. Có điều dầu ở phía nào,họ Ngô cũng có tướng tài quan cao. Tình hình đó đã làm cho quan hệ gia tộc càng gián đoạn,ngày càng xa nhau.
 
Nhìn chung lại,quá trình phát triển thiên cư cải tính,từ thế kỷ thứ 8 thuộc Đường đến thế kỷ thứ 10 Ngô Vương dựng nền độc lập,từ Châu Ái qua Đường Lâm, Cổ Loa, tiếp theo phát triển khi thăng khi trầm theo biến thiên của lịch sử,trải qua Lý,Trần đến Hồ,họ Ngô hình thành ba cụm:
 
Cụm lưu vực sông Nhị Hà mà trung tâm là Thăng Long thuộc dòng Ngô An Ngữ, vì biến cố thời cuối Trần cụm này phân thành ba cụm nhỏ:Gia Lâm, Nam Sách và Bạch Hạc.
 
Cụm lưu vực sông Mã, sông Lương (sông Chu) mà trung tâm là Yên Định, Thiệu Yên, theo dòng lịch sử 300 năm triều Lê toả ra khắp miền nam bắc,là thuộc dòng Ngô Xương Sắc (dòng trưởng Ngô Quyền).
 
Cụm Sơn Nam thượng từ Tuỵ Động,Tột Động,Chúc Động,Đổ Động qua Bất Bạt, Sơn Tây,cư trú phân tán,hoặc để họ Ngô hoặc đổi Nguyễn,đổi Đổ,một vài họ thuộc dòng Minh Đức,còn có thể thuộc dòng Ngô Xương Văn, Ngô Nhật Khánh, Ngô Nhật Chung.
 
Về sau Chúa Nguyễn ở Đàng trong lấn dần vào phía nam đến Cà Mâu, Hà Tiên, Chúa Trịnh cũng lấn dần vào đất Chúa Nguyễn,theo đà Nam tiến đó,hoặc cầm quân trấn nhậm, hoặc sa cơ, bước thiên cư phát triển nhanh chóng đến tận cùng đất nước,ngày nay có hàng trăm chi họ Ngô trong đó, mà chúng ta mới liên lạc được một phần nhỏ.
 
Sang thế kỷ 19 (triều nhà Nguyễn), cũng có nhiều thiên cư lẻ tẻ nhưng đến nay mới 5,7 đời,chưa thành dòng họ lớn.Ngày nay,sau một thời gian sưu tầm liên lạc, chúng ta mới gặp và biết được gần ba trăm chi họ thuộc dòng dõi Ngô Vương Quyền cư trú trong khắp mọi miền đất nước,trong đó có trên 10 họ cải sang Phan,Phạm,Nguyễn,Đỗ,Hoa,Văn,Hoàng,Lê và cũng biết được một số không nhiều họ Ngô thuộc dòng khác,hoặc họ khác cải Ngô,hoặc gốc từ Quảng Đông, Phúc Kiến bên Trung Quốc như họ ở Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa, ở Huế (phường Minh Hương),ở Hội An v.v…(có bảng liệt kê ở sau ).Mỗi nơi đều đang cố gắng tìm liên lạc thêm, làm thế nào để cho tất cả hậu duệ của tiền liệt,cùng một huyết thống được xum vầy, phát huy truyền thống anh hùng,vì nước vì nòi,góp phần đưa đất nước Việt Nam vươn lên ngang hàng các nước tiền tiến trên thế giới.
 
(Trích từ Họ Ngô Việt Nam-Lược sử-Sự kiện-Nhân vật-Hệ phả,Tác giả Ngô Đức Thắng)
 

 
Trước Trước
 
Tiếp Theo Tiếp Theo
  Forum  Thảo Luận  Chung  thông tin
  
11 Tháng Năm 2025   Đăng Ký   Đăng Nhập 
Copyright by www.giaphahongohungde.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn