XEM THEO ĐỜI THỨ
TIN TÍN NGƯỠNGTIN TÍN NGƯỠNG

MỘT SỐ NHÂN VẬT HỘ NGÔ TIÊU BIỂU
20 Tháng Giêng 2015 :: 12:55 CH :: 2346 Views :: 0 Comments

MỘT SỐ NHÂN VẬT HỘ NGÔ TIÊU BIỂU
MỘT SỐ NHÂN VẬT HỘ NGÔ TIÊU BIỂU

        NGÔ QUYỀN (897-944)

Ngô Quyền sinh ở Đường Lâm ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897),mất tại Cổ Loa ngày 18 tháng giêng năm Giáp Thìn (944),thọ 47 tuổi,mộ táng ở thôn Cam Lâm quận Đường Lâm nay là xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội .

Ngô Quyền có dáng người như cọp,tiếng nói như sấm,mắt sáng như chớp,khi sinh ra sau lưng có ba nốt ruồi,có người thầy tướng tiên đoán:”Người này ngày sau ắt làm vua trị vì thiên hạ”. Lớn lên có sức khoẻ cử đỉnh,văn võ song toàn.

Hai cụ thân sinh là Phong Châu Mục Ngô Đình Mân và Phùng Thị Tịnh Phong con cháu Phùng Hải, Bố cái Đại vương Phùng Hưng , ông nội là Hào trưởng Ngô Đình Thực ở Ái châu . Ngô Quyền là vị Tổ dựng nước Trung đại, mở nền độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam mãi muôn đời về sau, được suy tôn Anh hùng dân tộc. Là một vị tướng tài được chủ tướng Dương Diên Nghệ nhận làm con nuôi, rồi gả con gái Dương Thị Như Ngọc.Đã cùng Dương Diên Nghệ đánh bại quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất (930-931),được bố vợ uỷ quyền trông coi châu Ái.

Năm Đinh Dậu (937), Kiều Công Tiễn phản bội ,đầu độc chết Dương Diên Nghệ, rồi cấu kết với Nam Hán. Ông dấy binh từ châu Ái ,giết Công Tiễn,đánh bại quân xâm lược Nam Hán do Thái tử Hoằng Tháo thống lĩnh sang xâm lược lần thứ 2, trên sông Bạch Đằng.

Năm Kỷ Hợi (939) ông xưng Vương, đặt nền móng độc lập tự chủ cho đất nước, định đô ở Cổ Loa , ở ngôi được 6 năm , bị bệnh từ trần, truyền ngôi cho con trưởng Ngô Xương Ngập có cậu là Dương Tam Kha phụ chính. Phụ lời uỷ thác, Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu, tiếm xưng Bình Vương ( 945-950 ).Năm 950, Ngô Xương Văn lật đổ Bình Vương ,phế làm Trương Dương Công, đón anh Xương Ngập về cùng coi việc nước. Các nhà sử học xưa chia kỷ nhà Ngô thành triều đại Tiền Ngô Vương và Hậu Ngô Vương (Thiên Sách Vương ,Nam Tấn Vương ).

Theo sử và phả ghi chép thì vợ Ông là bà Dương Thị Như Ngọc .Theo thần tích ở đền làngYên Nhân huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội, thờ Bà Dương Phương Lan, nói rằng:Năm 20 tuổi Ngô Quyền kết thành vợ chồng với người  con gái huyện Thượng Phúc ( nay là huyện Thường Tín,Hà Nội) tên là Dương Phương Lan. Đền làng Ninh Xá xã Lệ Ninh huyện Kinh Môn nay thuộc thành phố Hải Phòng, thờ Vua Bà Càn Lương phu nhân , nói rằng ở đây bà đã đóng trại quân thời tham gia trận đánh Bạch Đằng Giang.

Ngô Vương Quyền có bốn con trai,Ngô Xương Ngập,Ngô Xương Văn  do bà Dương Thị Như Ngọc sinh ra, Càn Hưng , Nam Hưng ( thất truyền ) chưa rõ con bà nào.

Tất cả các chi họ Ngô Việt Nam ngày nay đã liên lạc với nhau ( ngoài số chi họ Ngô từ Trung Quốc sang gọi là gốc Trung Quốc, và một số họ Ngô từ họ khác lấy họ Ngô , cải làm họ Ngô vì hoàn cảnh nào đó ) đều là cùng chung huyết thống thuộc dòng dõi Ngô Vương Quyền. Đến  năm 1996 đã liên lạc được trên 200 chi họ cư trú trên tất cả các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Phần lớn đã được đưa vào ” Hệ Phả ” họ Ngô Việt Nam, nhân khẩu hàng triệu người  nam và nữ.

***

         Lý Thường Kiệt  (1019-1105)

Tức Ngô Tuấn con Ngô An Ngữ,cháu nội Ngô Xương Xý Sứ quân Bình Kiều, anh Lý Thường Hiến (Ngô Chương), thuỵ Quang Châu, sinh ở phường Thái Hoà (quận Ba Đình,Hà Nội ngày nay) .Giúp trải 3 triều nhà Lý,làm đến chức Thái uý đứng đầu trăm quan, nhiều công lao an dân, bình Chiêm Thành, ngự Tống.

Ông sinh năm Kỷ Mùi 1019 tại phường Thái Hòa thành Thăng Long (nay là khu vực thuộc làng Ngọc Hà,quận Ba Đình, Hà Nội),mất năm Ất Dậu 1105,thọ 87 tuổi .

Từ nhỏ đã tỏ ra có tài năng,chuyên cần học tập,ngày luyện võ đêm ôn văn,theo học một thân vương nhà Lý,lại được ông chú truyền thụ võ nghệ gia truyền.Lúc còn đi học là bạn thân của Lý Phật Mã.Vua Lý mở rộng kinh thành,dân các phường phải ra ở bãi Cơ Xá,anh em Ngô Tuấn được ở lại Khán Sơn.Năm 13 tuổi bố chết,20 tuổi làm chức Kỵ mã Hiệu uý.

Sau khi Lý Phật Mã lên làm vua,mến tài đức, muốn được luôn gần gũi, khuyên Ngô Tuấn tự yểm làm quan hoạn.Năm 23 tuổi Ngô Tuấn tự yểm,khi đó đã có vợ nhưng chưa có con.Phả cũ chép bà Lý Thị Duy Mỹ và hai con gái Duyên Lương và Mỹ Lương,không rõ là con đẻ hay con nuôi.Bia chùa Linh Xứng chép khi ông chết không có con,nên vua phong  Lý Thường Hiến tước Hầu.

Ngô Tuấn có bộ mặt khôi ngô,đi đứng đàng hoàng,tính tình nhã nhặn khiêm tốn thận trọng,tài kiêm văn võ, là một nhân vật toàn năng,có tài kinh bang tế thế,từ an dân đến bình Chiêm ngự Tống,không chỉ lỗi lạc về chiến lược chiến thuật, tổ chức chỉ huy,mà còn điều khiển cả một mạng lưới tình báo, phản gián trong và ngoài nước.Suốt cuộc đời trung thành một dạ,hết lòng vì dân vì nước được triều đình và toàn dân tin cậy,nước ngoài kính sợ.

Khi đánh nhau với quân Tống,ông có làm bài thơ để khuyến khích quân sĩ,lời lẽ thật khảng khái:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà, nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bài dịch:

Nước Nam sông núi vua Nam ở,

Phận định nghìn xưa tại sách trời.

Như bọn giặc nào sang cướp lấn,

Là thua tan hết lũ bay coi.

Đươc suy tôn:

    Suy thành hiệp mưu thủ chính tá lý dực đới Công thần,thủ Thượng thư lệnh,Khai thủ Nghị đồng Tam ty,Nhập nội Nội thị tỉnh đô Đô tri Kiểm hiệu,Thái uý kiêm Ngự sử Đại phu,Giao thụ Chư trấn Tiết độ sứ,đồng tráng thủ môn hạ,Bình chương Thượng trụ quốc,Thiên tử nghĩa đệ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Việt Quốc công.

Thực ấp 10.000 hộ,thực phong 4000 hộ.

Hiện nay từ đường hương khói ở thôn Bắc Biên xã Ngọc Thuỵ quận Long Biên,Hà nội, chi họ Ngô ở đó phụng tự. Nhân dân nhớ công ơn lập đền thờ ở nhiều nơi.

Được suy tôn Anh hùng dân tộc.

***

Ngô Miễn Thiệu (1499-?)

Trạng nguyên,Trình khê Hầu,

Con Thái bảo,Bảng nhãn Tao đàn tướng Ngô Thầm,cháu nội Thái bảo Ngô Quân Hiên,vào đời 24 dòng Ngô Bá Dị tự Hải Sơn,người xã Tam Sơn,huyện Đông Ngàn,nay là  thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.Năm 20 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 triều Lê Chiêu Tôn năm 1518. Làm quan triều Lê 9 năm, sau ra làm quan với nhà Mạc ,đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử Chưởng Hàn lâm Viện sự, Nhập thị Kinh diên, tước Lý Khê Bá, sau thăng Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sỹ Trình Khê Hầu.

Tự Thuận Nhã, hiệu Trúc Khê ,sinh bốn con trai: Ngô Diễn,Ngô Dịch,còn hai người phả cũ không chép tên.Lại có một con nuôi tên Nguyễn Gia Mưu,đổi họ Ngô, thi đỗ Tiến sỹ 1559,làm quan triều Mạc,sau trở thành con rể,sinh nhiều con cháu đỗ đạt,nay là thuỷ tổ họ Ngô Sách ở Tam Sơn thị xã Từ Sơn,Bắc Ninh.

Lúc bấy giờ nhà Minh bên Trung Quốc vẫn có âm mưu bành trướng xuống phía nam,nhân nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê,sai sứ sang hỏi tội nhiều lần,vua Mạc đã phải dùng đến hình nhân vàng bạc đút lót sứ Minh mới chịu về.

Năm Giáp Ngọ 1534, nhà Minh lại lấy cớ hàng năm thiếu cống vật, sai Hám Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ,Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ, huy động quân Lưỡng Quảng sang hỏi tội nhà Mạc.Đóng quân trên đất Trung Quốc bên kia biên giới,Mao Bá Ôn đưa bài thơ”Vịnh cánh bèo” để thử thách,nhằm gây sự, với thái độ hống hách miệt thị nhà Mạc.Triều đình nhà Mạc không ai hoạ được,vua Mạc  triệu Trạng Ngô Miiễn Thiệu vào triều hỏi ,tình hình như thế làm thế  nào?Ngô Miễn Thiệu nói,nếu không có lời lẽ thống thiết thì làm sao lui được quân Minh,nhà vua muốn thì có khó gì ! Bèn hoạ thơ của Mao Bá Ôn và thảo điệp văn gửi cho quân Minh,ký tên Đầu Mục Mạc Đăng Dung.

Nhận được thơ hoạ và điệp văn,Mao Bá Ôn tạm dừng quân ở bên kia biên giới.Đương thời trong triều nhà Mạc có câu”Lập thi thoái lộ”(Đứng làm thơ mà lui được giặc) để ca ngợi tài Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu.

Mao Bá Ôn tâu về triều đình nhà Minh, có đoạn:”An Nam từ Hán Đường đến nay tuy xưng là nội phụ,nhưng phong tục mọi rợ,khí hậu chướng độc,vẫn không thích hợp với Trung Quốc,đại khái vài năm lại sinh loạn một lần,liên kết bè đảng vây hãm đánh giết,lại phải mất vài năm mới dẹp yên được.Ngày trước Trương Phụ đem 10 vạn quân tổn phí rất nhiều mà chỉ lập quận huyện được vài năm,rồi kẻ phản nghịch nối tiếp nổi lên và cuối cùng lại trở về dân Man.Đây là điều chứng nghiệm rõ ràng,xét lợi hại mấy đời trước thì nên để ngoài không nên cho nội thuộc…”.

Phụ lục:

Bài thơ : Vịnh cánh bèo của Mao Bá Ôn:

                     Nguyên văn                                                 Dịch nghĩa

Tuỳ điền trục thuỷ mạo ương châm            Ruộng nước lênh đênh nhỏ tựa kim

Đáo xứ khan lai thực bất thâm                    Nơi nơi trông thấy mọc nông mèm

Không hữu bản căn không hữu cán            Đã không cành cội còn không gốc

Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm                   Dám có rễ mầm lại có tim

Đồ trừ tự xứ minh tri tán                              Nào biết nơi tan duy biết tụ

Đản thức phù thì ná thức trầm                     Chỉ hay khi nổi nọ khi chìm

Đại để trung thiên phong khí ác                   Giữa trời giông tố thình lình nổi

Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.                        Quét bạt ra khơi hết kế tìm.

Bài hoạ của Ngô Miễn Thiệu

                    Nguyên văn                                                   Dịch nghĩa

Cẩm lân mật mật bất dung châm               Vảy gấm ken dày chẳng lọt kim

Đối diệp liên căn bất kế thâm                      Lá liền rễ mọc kệ nông mèm

Thượng dữ bạch vân tranh thuỷ diện         Mây bạc không cho soi thủy diện

Khẳng giao hồng nhật chiếu ba tâm           Ánh hồng đâu dễ rọi ba tâm

Thiên tùng lãng đả thanh nan phá              Sóng dồn ngàn lớp không xô vỡ

Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm              Gió rập muôn cơn khó đánh chìm

Đa thiếu ngư long tàng giá lý                       Rồng cá ít nhiều nương dưới đó

Thái công vô kế hạ câu tầm .                       Cần câu Lã Vọng hết mong chờ.

***

Ngô Trí Hoà (1565-1625)

Sinh năm Ất sửu 1565,thông minh từ nhỏ,13 tuổi đã giỏi văn chương,18 tuổi thi đỗ Tứ trường cùng với anh là Ngô Trí Trung (khoa Nhâm Ngọ 1582),28 tuổi thi đỗ Hòang giáp ,đồng khoa với bố (khoa Nhâm Thìn 1592).Khoa thi chỉ lấy có ba người,Trịnh Cảnh Thuỵ,Ngô Trí Hoà đỗ Nhị giáp,Ngô Trí Tri đỗ Tam giáp.Cha đỗ Tiến sỹ con đỗ Hoàng giáp,cha 53 tuổi con 28 tuổi,cùng đi thi một khoa,cùng trúng đại khoa,là một chuyện xưa nay chưa từng có. Khi quan Hồng lô treo bảng,trong ngoài ồn ào,lúc đó có câu ca dao: “Thiên hạ có mấy người ta ,đã Ngô Trí Hoà lại Ngô Trí Tri”. Trên cờ vinh quy nhà vua ban 10 chữ: “Khoa danh thiên hạ hữu,Phụ tử thế gian vô.”

Ngô Trí Hoà ra làm quan từ chức Hiến sát sứ Sơn Tây,vào làm Tham chính đạo Thanh Hoa,năm 1606 làm Chánh sứ đi sứ sang nhà Minh.Có công hộ giá trong vụ Trịnh Thung gây biến năm 1623 thăng Phú Xuân Hầu, Hiệp mưu tá lý dực vận tán trị Công thần Xuân Quận công.Năm Bảo Thái lục phong công thần được xếp vào hàng “Luỹ đại công thần dữ quốc đồng hưu” trong số 111 công thần khai quốc,công thần trung hưng của triều Lê trong suốt cả 300 năm.Đền thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.

Ông có ba bà sinh năm con trai gái,con cháu về sau có thêm ba đại khoa đều vào thời Lê trung hưng.Lăng mộ và đền thờ ở xã Diễn Kỷ huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An,sắc phong Thượng đẳng Tôn thần,nay đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.

***

             Lưỡng quốc Công thần

            Lý Hải Hầu Ngô Sỹ Vinh

Ngô Sỹ Vinh là con trai thứ Ngô Trí Hoà,sinh năm Tân Mão 1591,thi đỗ Cống sinh làm Đô cấp sự trung,tước Lý Hải Bá.Năm 1646,55 tuổi thi đỗ Tiến sỹ khoa Bính Tuất,thăng Lý Hải Hầu.

Gặp lúc bên Trung Quốc quân Mãn Thanh xâm lược trung nguyên,nhà Minh thất thế,nhân thời cơ đó,Chúa Trịnh Tráng mưu đồ dành dật lại ít đất đai phía bắc nước ta.

Năm 1646,Vua sai Trịnh Lãm làm Thống lĩnh,Ngô Sỹ Vinh làm Đốc đồng đem 300 chiến thuyền vượt biển sang Quảng Đông ,lại gặp lúc vua Thanh đang bị quân Minh vây khốn,hai tướng giúp giải vây cho vua Thanh. Sau ngày Thanh Thành Tổ lên ngôi Hoàng đế Trung Quốc,sai Đốc học Hứa Khải Mông mang ba bức trướng gấm và thơ riêng sang tặng Ngô Sỹ Vinh và phong làm “Lưỡng quốc Công thần”.

Sau ngày ông mất triều đình Lê Trịnh giao việc phụng thờ hương khói cho hai huyện Diễn Châu và Yên Thành thuộc trấn Nghệ An.Năm Thịnh Đức thứ tư, Đinh Dậu 1657, gia phong Công bộ Hữu Thị lang Lý Hải Hầu. Ngày nay đền và mộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.

***

            Ngô Thì Sỹ (1726-1780 )

Con Ngô Thì Ức, hiệu Ngọ Phong, biệt hiệu Nhị Thanh Cư sỹ,tự Thế Lộc,là một Tác gia lớn trong Ngô gia Văn phái,lại là một Sử gia (tác giả Quốc sử tục biên,Việt sử tiêu án).Ông học giỏi, thi nhiều khoa chưa đỗ,xin làm một chức nhỏ trong bộ Binh.Khi kinh tế gia đình quẫn bách, Ông làm bài phú “Trách bần quỷ”.

Năm 1743 đỗ Hương tiến,năm 1745 đỗ đầu khoa Sỹ vọng ,được ra làm quan,sau được chọn làm Thị giảng cho Thế tử Trịnh Sâm,năm 1763 được vào hàng Tiến triều (không đỗ đại khoa mà được làm quan chức như đỗ đại khoa).Năm 1764 được bổ làm  Giám sát Ngự sử Sơn Tây,thăng Đốc đồng Thái Nguyên , Bắc Ninh , năm 1766 đỗ Hoàng giáp thăng Đông các hiệu thư, chuyển đi Hiến sát sứ Thanh Hoá,rồi thăng Tham chính Nghệ An (tòng Tứ phẩm)1775. Trong một khoa thi hương ở trường Nghệ An, trong ban Giám khảo ông bị kiện ,nên bị bãi chức về nhà.Năm 1773 được trở lại làm quan chức Hiệu lý trong viện Hàn lâm,ít lâu sau thăng Thiêm đô ngự sử( Ngũ phẩm)Bí thư các Chính tự (1775).Năm 1777 làm Đốc trấn Lạng Sơn,xây dựng Đoàn Thành,tu sửa động Nhị Thanh.Năm 1780 đi đánh dẹp Hoàng Đồng ở Tuyên Quang (phối hợp với quân Nguyễn Lễ- Đốc trấn Sơn Tây).Cùng năm có việc đi Mục Nam quan,khi về ghé nghỉ ở động Nhị Thanh, về đến nhà thì cảm bệnh không tiếp khách được.Vài ba hôm sau khỏi bệnh,tiếp khách cười nói như thường,tối ngày đó thì mất (tháng 9 năm 1780) (theo phả họ Ngô Thì -Tả Thanh Oai).

 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔIDIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
  Forum
 Forum
Chủ ĐềBài
Bài Mới Nhất
 Thảo Luận
Công khai diễn đàn
Chung
00
Không có gì
  
14 Tháng Mười Một 2024   Đăng Ký   Đăng Nhập 
Copyright by www.thegioimoi.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn